Những thuật ngữ tiếng Anh xoay quanh quả bom nợ Evergrande
Thursday, 25 Apr 2024
Phiêu cùng tiếng Anh Tiếng Anh cho người đi làm Từ vựng tiếng Anh

Những thuật ngữ tiếng Anh xoay quanh quả bom nợ Evergrande

Advertisement
Rate this post

Mặc dù đã qua một thời gian, thế nhưng vụ việc của Evergrande vẫn chưa có hồi kết. Cùng elight khám phá một số thuật ngữ kinh doanh giúp bạn hiểu rõ hơn về câu chuyện xoay quanh Evergrande nhé.

Khoá học trực tuyến ELIGHT ONLINE được xây dựng dựa trên lộ trình dành cho người mất gốc. Bạn có thể học mọi lúc mọi nơi hơn 200 bài học, cung cấp kiến thức toàn diện, dễ dàng tiếp thu với phương pháp Gamification.

Khoá học trực tuyến dành cho:

☀ Các bạn mất gốc Tiếng Anh hoặc mới bắt đầu học Tiếng Anh nhưng chưa có lộ trình phù hợp.

☀ Các bạn có quỹ thời gian eo hẹp nhưng vẫn mong muốn giỏi Tiếng Anh.

☀ Các bạn muốn tiết kiệm chi phí học Tiếng Anh nhưng vẫn đạt hiệu quả cao

1 – Lehman moment (Thời khắc Lehman)

Khi mối đe dọa vỡ nợ rình rập Evergrande, một số nhà phân tích kinh tế đã gọi đó là “thời khắc Lehman của Trung Quốc”. Cụm từ ám chỉ vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như cả thế giới. Năm 2008, Lehman Brothers, ngân hàng lớn thứ 4 của Mỹ sụp đổ với khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ đô la. Sự kiện tạo hiệu ứng domino, kéo theo hàng loạt định chế tài chính khác và cả cỗ xe kinh tế toàn cầu. 

Nhìn bên ngoài, Evergrande và Lehman có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, họ đều là các công ty tầm cỡ quốc tế. Thứ hai, họ đều mang khủng hoảng nợ liên quan đến việc sụt giảm giá bất động sản. 

Tuy nhiên, khi đề cập tới nguy cơ với kinh tế thế giới, các nhà phân tích tại Bloomberg và CNBC đã chỉ ra những khác biệt cốt lõi giữa Evergrande và Lehman.

Cụ thể, về phía Evergrande, tập đoàn này nắm giữ các tài sản vật chất là các dự án nhà ở và bất động sản. Ở nước đi cuối cùng, họ có thể bán các tài sản này để bắt đầu trả nợ các khoản vay ngắn hạn (dưới 1 năm). 

Về phía Lehman, họ nắm giữ các tài sản tài chính phức tạp. Khi bong bóng đầu cơ bất động sản vỡ vào giữa năm 2007, giá nhà đất sụt giảm nghiêm trọng, những người mua nhà từ vay nợ dưới chuẩn tín dụng không thể thanh toán. Lehman phải hứng chịu rủi ro thanh khoản khi chính họ cũng đi vay nợ để cho người khác vay.  

Theo nhà sáng lập hãng nghiên cứu thị trường Citron Research Andrew Left, cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc, nhưng sẽ không trở thành “thời khắc Lehman”.

2 – Black swan (Thiên nga đen)

“Thiên nga đen” là phép ẩn dụ cho một biến cố hy hữu, khó lường, nhưng lại gây ra những tác động nặng nề đến nền kinh tế. Thuật ngữ này được giới thiệu bởi tác giả Nassim Nicholas Taleb trong cuốn sách cùng tên (The Black Swan) năm 2007.

Với bảng báo cáo tài chính vẫn báo doanh thu tăng vào cuối năm 2020 của Evergrande, nhiều người cho rằng cơn khủng hoảng hiện tại của tập đoàn này là một thiên nga đen.

Tuy nhiên, nếu xét theo bối cảnh chung của chính sách “thịnh vượng chung” và “3 lằn ranh đỏ” của chính phủ Trung Quốc vào tháng 8/2020, nhiều khả năng các nhà hoạch định đã thấy trước việc siết chặt giá nhà và thị trường đất sẽ gây khó khăn cho Evergrande. 

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, có thể nói Evergrande không phải là một thiên nga đen. Thay vào đó, nó có thể là một “tê giác xám” (mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị phớt lờ).

Theo một nguồn tin vào tháng 9/2020 cho thấy, giới chức Trung Quốc đã từ chối cho Evergrande niêm yết cửa sau (back-door listing) để huy động vốn. Điều này càng đẩy thanh khoản của tập đoàn đi nhanh đến bờ vực.

3 – Leverage (Đòn bẩy tài chính)

Đòn bẩy tài chính là sự kết hợp giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trong công việc điều hành chính sách tài chính của doanh nghiệp. Nói đơn giản hơn, nó là việc đi vay vốn để đầu tư thay vì sử dụng hoàn toàn vốn tự có để đem lại lợi nhuận cho mình. 

Ngành bất động sản luôn được xem là ngành kinh doanh nặng vốn. Vì vậy, các doanh nghiệp hầu như đều phải sử dụng đến đòn bẩy tài chính một cách linh động, thậm chí là liều lĩnh. 

Với Evergrande, họ đang rơi vào tình trạng công ty có đòn bẩy quá cao. Theo báo cáo tài chính vào cuối tháng 12/2020, tổng tài sản của tập đoàn này là 350 tỷ USD, nhưng tổng nợ phải trả đã lên đến 300 tỷ. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn lại chiếm gần 50% tổng cơ cấu tiền vay. 

ĐỌC THÊM: Thuật ngữ tiếng Anh về những buổi đấu giá nghệ thuật

4 – Bond (Trái phiếu)

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận doanh nghiệp hoặc chính phủ có nghĩa vụ nợ với người nắm giữ.

Tức là, người mua (trái chủ) cho đơn vị phát hành trái phiếu ứng một khoản vay. Đơn vị này sẽ phải trả một khoản lợi tức cố định và thường kỳ cho trái chủ và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn. Lợi tức từ trái phiếu không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành.  

Khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, trái chủ được ưu tiên thanh toán trước người nắm giữ cổ phiếu (cổ đông). 

Với những đặc tính đó, trái phiếu thường được giới thiệu là hình thức đầu tư “ít rủi ro” cho những người có tiền nhàn rỗi. Mặt khác, đôi khi trái phiếu doanh nghiệp duy trì lãi suất khá cao, có thể gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng, rất hấp dẫn với các nhà đầu tư.

5 – Debt restructuring (Tái cấu trúc nợ)

Tái cấu trúc nợ là quá trình tổ chức lại toàn bộ vốn vay nợ, được các công ty sử dụng để tránh rủi ro vỡ nợ. 

Những người đứng đầu Evergrande đề xuất một “phương án cuối cùng”: chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sở hữu nhà nước sẽ tiếp quản hoạt động của tập đoàn theo từng khu vực.

Cách tiếp cận này được cho là kịch bản khả thi nhất, bởi tại Trung Quốc, đất đai phải được chính quyền địa phương cấp phép. Các nhà chức trách địa phương có thể can thiệp để bình ổn giá bất động sản. Trong trường hợp xấu nhất, các địa phương có thể mua lại đất như cách họ đã làm trong năm 2014-2015.

6 – Reverse repurchase agreement (Thỏa thuận mua lại nghịch đảo)

Ngày 23/09, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bơm 120 tỷ NDT, khoảng 19 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng quốc gia thông qua các thỏa thuận mua lại nghịch đảo. Nghĩa là PBoC mua chứng khoán của các ngân hàng đang thiếu tiền, nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường, sau đó sẽ bán lại chúng với giá cao hơn cho chính các ngân hàng này vào một thời điểm thoả thuận trong tương lai. 

Động thái này được cho là nhằm mục đích xoa dịu tâm lý các ngân hàng đầu tư vào Evergrande trong bối cảnh thị trường lo sợ. Còn về công cụ can thiệp trực tiếp đến Evergrande, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa có tuyên bố chính thức. Thậm chí, nhà chức trách Trung Quốc còn tránh nhắc đến tên doanh nghiệp này trong các cuộc họp trong tuần qua.

Bài viết tuy có hơi dài nhưng hy vọng nó có ích cho các bạn. Những thuật ngữ trong ngành đầu tư còn rất nhiều, bạn có muốn elight làm một bài viết về chủ đề này không? Hãy để lại ý kiến của bạn ở dưới phần bình luận nhé.

Advertisement