CEO Elight Phan Kiều Trang: Nhiều người Việt bắt đầu học tiếng Anh rất nhanh nhưng dễ bỏ giữa chừng
Saturday, 23 Nov 2024
Tin tức

CEO Elight Phan Kiều Trang: Nhiều người Việt bắt đầu học tiếng Anh rất nhanh nhưng dễ bỏ giữa chừng

Advertisement
Rate this post

Gắn bó với “đứa con tinh thần” đến năm thứ 7, Phan Kiều Trang – giảng viên kiêm CEO của Công ty giáo dục công nghệ Elight – bày tỏ bản thân có một niềm đam mê với ngành giáo dục nói chung và bộ môn tiếng Anh nói riêng. Khởi nghiệp năm 24 tuổi, dồn hết tâm sức vào business duy nhất của bản thân, đến nay, chị và team vẫn nỗ lực không ngừng dù đã có vấp ngã, khó khăn. Bên trong chị, nỗi khát khao phổ cập tiếng Anh cho người Việt Nam chưa bao giờ ngừng cháy.

 

 

CEO Elight Phan Kiều Trang: Nhiều người Việt bắt đầu học tiếng Anh rất nhanh nhưng dễ bỏ giữa chừng

 

 

Là một trong số những người phụ nữ Việt đầu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, CEO Elight Phan Kiều Trang đã đi tới nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm hiểu về dòng chảy học tập trực tuyến. Theo chị, muốn thành công trong mảng giáo dục ngoại ngữ hiện nay, mở trung tâm hiện chỉ đóng góp khoảng 5% cơ hội.

*Chị có trăn trở nhiều về cách học tiếng Anh của người Vit Nam hiện nay không?

Thực tế, nhìn xung quanh, không ít người học còn bám vào “lời gọi mời” chỉ 1 tháng học là giỏi tiếng Anh không cần nỗ lực. Học ngoại ngữ cần thời gian, sự nghiêm túc, sự chăm chỉ thực hành, và người học cần có trách nhiệm với việc học của mình. Chúng tôi sẽ giúp các bạn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc nhưng chúng tôi cần sự cố gắng của bạn. Đã có học viên hỏi tôi “Một tháng nữa thi thì em nên học gì để đạt điểm cao?”, tôi thẳng thắn “Nếu em dành 8 tiếng/ngày để học, cô sẽ giúp em còn chỉ có 30 phút để học thì không thể”.

Ngoài việc nhìn nhận sai, mức độ cam kết của người Việt với một chương trình tiếng Anh khá thấp mặc dù khả năng bắt đầu học rất nhanh. Rất nhiều người mới học bài số 1, thấy mình không nói chuyện được với người nước ngoài, bỏ giữa chừng luôn. Tiến bộ trong tiếng Anh phải đo từng bước một, các bạn ạ. Có tiếng Anh tốt thì chắc chắn công việc, tương lai của chính các bạn sẽ có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn tốt hơn.

*Học tiếng Anh cần thực hành nhiều, vậy tại sao chị định hướng Elight với con đường giảng dạy trực tiếp?

Ngay từ đầu, chúng tôi đã muốn gắn “đứa con tinh thần” với công nghệ, với làm YouTube. Khi ấy, có một vấn đề phát sinh là học viên hiểu kiến thức nhưng không biết luyện tập ra sao, hạn chế về giao tiếp giữa người dạy và người học được bộc lộ. Vì vấn đề này mà chúng tôi mở trung tâm offline một thời gian, thậm chí có những lớp hoàn toàn miễn phí với mục tiêu muốn quan sát học viên khi trải nghiệm hình thức học online, từ nét mặt cho đến cảm xúc, phản ứng của các bạn ấy. Từ đó, chúng tôi có hiểu biết thực tế về những khó khăn của người học. Và đến khi đã có đủ tích luỹ cho những giả định của mình, chúng tôi đóng cửa trung tâm offline 6 tháng trước đợt dịch Covid-19 lần đầu.

Sau cùng, tôi vẫn muốn chứng minh và hiện thức hoá điểm mạnh của việc học online: tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí, an toàn tiếp xúc đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 phức tạp này. Nếu biết cách học đúng, tôi nghĩ việc các bạn đạt được trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu hay biết chủ động trong khi học tiếng Anh sau một khoá học không có gì khó khăn cả.

 

CEO Elight Phan Kiều Trang: Nhiều người Việt bắt đầu học tiếng Anh rất nhanh nhưng dễ bỏ giữa chừng - Ảnh 1.

 

*Mặc dù là doanh nghiệp online nhưng trung tâm của chị đã bị ảnh hưởng như thế nào trong đợt dịch Covid-19?

Dịch bệnh ập tới, không ai ngờ đến, bạn bè tôi – làm trong mảng trung tâm tiếng Anh và các mảng đào tạo khác – phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ, tôi thấy khá buồn. Khối nhân sự chúng tôi cũng phải làm việc tại nhà. Ngoài ra, cũng có một cái may ngoài dự tính là chúng tôi đã đóng mảng offline sớm.

Cá nhân tôi đánh giá rằng trong thời điểm quan trọng này, các doanh nghiệp nên nghĩ tới “go online” một cách quyết liệt hơn. Với Elight, tôi rất vui vì khi đo các chỉ số, thời lượng học tập của học viên tăng, chất lượng học tập cũng đi lên trong giai đoạn các bạn học/làm việc tại nhà. Công nghệ giải quyết nhiều vấn đề cho người dùng, vì thế “go online” là một cơ hội lớn và sự chuyển dịch đúng đắn cho những doanh nghiệp biết đầu tư hiệu quả.

*Sau 7 năm, bài học lớn nhất mà chị rút ra được khi vận hành doanh nghiệp riêng là gì?

Có những giai đoạn chất lượng sản phẩm của Elight bị nghi ngờ, bị truyền thông lên án, một phần bởi vì đội ngũ của chúng tôi trong giai đoạn đó quá chú tâm vào chuyện làm sản phẩm và công nghệ mà không để ý tới truyền thông. Quan trọng nhất sau đó, chúng tôi dành 200% năng lượng và tâm sức vào nghiên cứu người dùng, quy trình, cách chuẩn hoá chất lượng. Chúng tôi tự tin mọi thứ bây giờ đều x2, x3 rồi. Một trong những tiêu chí làm việc của chúng tôi là 5D: dễ tiếp cận, dễ sử dụng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng. Sau từng ấy năm gắn bó, chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu phổ cập tiếng Anh cho người Việt, cụ thể bằng công nghệ.

*Đối với một người phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ như chị, khởi nghiệp gây ra những khó khăn nào?

Khởi nghiệp không dành nhất thiết cho một giới tính nào, ai cũng có thể khởi nghiệp nhưng vấn đề là bạn chịu đi theo ý tưởng của mình tới đâu thôi. Thiên chức của phụ nữ là mang bầu, sinh em bé nhưng điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sự nghiệp. 7 năm theo đuổi khởi nghiệp, tôi phải xác định rất nhiều, tôi còn tự hỏi mình là gia đình hay sự nghiệp quan trọng hơn và nếu chồng/gia đình chồng phản đối thì tôi sẽ xử sự ra sao. Nhiều người đàn ông không chấp nhận cho vợ mình làm việc ngày đêm ấy chứ!

May mắn là tôi được chồng hiểu và cảm thông. Có thời điểm phát hành sách, tôi đã phải ở lại công ty qua đêm để chuẩn bị. Khởi nghiệp vất vả lắm, làm gấp hai gấp ba người khác là chuyện thường tình. Nhưng sau giai đoạn tập trung ấy, tôi lại bù thời gian để chăm sóc gia đình. Công việc quan trọng, nhưng gia đình cũng quan trọng.

*Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Advertisement